Con người sống trong xã hội, như người ta thường nói: “Không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, không ai trong chúng ta có thể sống đơn độc lẻ loi, nhưng mỗi chúng ta đều cần đến nhiều người khác. Người khác đó trước hết là những người ruột thịt trong gia đình, rồi đến hàng xóm láng giềng, bạn học, người làm cùng công việc, và bao mối liên hệ khác nữa. Những mối liên hệ này, trong nhiều trường hợp, đã tạo nên sự cảm thông và tin tưởng lẫn nhau. Dầu vậy, lắm khi những mối liên hệ ấy, dù là ruột thịt, lại cản trở cho sự tin tưởng giữa người với người.
Một chị y tá đã ra trường hơn ba năm kể lại: Có lần khi về thăm gia đình, thấy ba có nhiều dấu hiệu của chứng suy nhược cơ thể. Ra tiệm thuốc gần đó, chị mua một chai “nước biển” chứa những chất bổ dưỡng cần thiết để truyền dịch cho ba. Khi mũi kim sắp chạm đến da, ba chị với chút nghi ngờ, chợt hỏi: “Con có biết truyền nước biển không?” Kể lại chuyện này, chị y tá nói lên cảm nghĩ của chị: Ở bệnh viện bao lần tôi đã thực hiện lệnh của y – bác sỹ, để chích thuốc hoặc truyền dịch cho nhiều bệnh nhân, nhưng không ai hỏi: Cô có biết chích thuốc hoặc truyền dịch không? Vì họ tin tôi, một y tá của bệnh viện. Còn với ba tôi, dù tôi có là gì, trong suy nghĩ và cái nhìn của ba tôi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ ba tôi đã từng phải ẵm bồng và nuôi dạy, nên ba không đủ tin tôi có thể làm được những điều ấy.
Đây không chỉ là chuyện riêng của cha – con cô y tá, mà là chuyện của mọi thời đại, và xảy ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Thế nên tục ngữ Việt Nam mới có câu: “Bụt nhà không thiêng.”
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại ba trường hợp vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa, bị người đồng hương chối từ.
Trường hợp Ngôn Sứ Êlia, ông sinh ra và thi hành sứ vụ Chúa trao, gần 900 năm trước công nguyên. Vì lòng nhiệt thành với Giavê, và vì sự sống còn của dân tộc, ông mạnh mẽ lên án việc thờ thần của dân ngoại, và kêu gọi dân chúng trở về với lề luật của Maisen, nên ông đã bị người đồng hương ghét bỏ, ông đã phải rời quê hương để lánh sang Sarepta. Ở đây, ông lưu lại nhà một người đàn bà góa, ông đã cứu sống cả gia đình bà, khi cho bình dầu và hũ bột không vơi cạn suốt thời hạn hán, đang khi nhiều người thuộc dân riêng của Chúa lại phải chết đói. Dân ngoại tin vào Người của Thiên Chúa, còn dân Chúa lại chối từ.
Trường thứ hai là ngôn Sứ Êlisêô, ông là môn đệ của Êlia. Vị Ngôn Sứ này, đã chữa tướng Naaman, trưởng chỉ huy quân đội của Syria khỏi bệnh phong cùi, đang khi trong dân Israel thời ấy, có nhiều người bị chứng bệnh này, đã không được ông chữa lành. Nguyên do vì họ không tin ông, còn vị tướng là người dân ngoại đã tin, và đã làm theo lời vị Ngôn Sứ dậy.
Vượt trên cả Êlia và Êlisêô, Đức Giêsu thành Nazaret, Người chính là Thiên Chúa làm người, là vị Ngôn Sứ Tối Cao của Thiên Chúa, là Đấng đến để đem bình an, đem ơn giải thoát cho dân riêng của Thiên Chúa, và cho toàn thể nhân loại. Vậy mà, tại quê hương của Người là Nazaret, dầu thán phục về những điều từ miệng Người thốt ra, nhưng trước lời giảng thẳng thắn của Người, những người đồng hương đã tức giận, và “Dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm”. Sự kiện này như báo trước, Đức Giêsu sẽ bị chính dân của Người, nhất là giai cấp lãnh đạo, coi như một kẻ phá rối, cần phải loại trừ, nên họ luôn tìm cách bắt bẻ lời giảng, và chống đối cả những dấu lạ Người thực hiện. Cuối cùng, họ đã dùng nhiều thủ đoạn để kết án Người chết trên Thập Giá như một kẻ gian ác. Thật đúng như lời Thánh Gioan Tông Đồ viết: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”
Lời Chúa, nhất là những gì bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay thuật lại, là lời mời gọi chúng ta, những người tự hào mình là Kitô hữu, những người cho rằng mình là người đang tin vào Thiên Chúa, phải tra vấn chính mình.
Với Chúa và Giáo Hội, đã bao lần chúng ta tham dự thánh lễ, nhưng chẳng chú tâm đến Lời Chuá là Lời Hằng Sống, chúng ta chẳng rước lễ đang khi chúng ta tin đó là Bánh Trường Sinh. Đã bao lần chúng ta sẵn sàng đi hành hương một nơi xa, với nhiều vất vả và tốn phí, nhưng chúng ta không hề quan tâm đến sinh hoạt của giáo xứ, mà gia đình chúng ta đang là thành viên.
Với tha nhân, biết bao lần chúng ta sống thiếu tình bác ái, thiếu sự quan tâm, thậm chí còn nuôi lòng hận thù, và muốn loại trừ anh chị em mình, đang khi chúng ta vẫn khẳng định rằng, tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Nơi gia đình với bao mối liên hệ gần gũi thân thương, vậy mà bao lần chúng ta cư xử với nhau như những kẻ xa lạ, thiếu cảm thông và vắng tình yêu thương.
Với chính mình, đã bao lần chúng ta nuôi dưỡng tính kiêu căng tự mãn, đã bao lần chúng ta cố chấp, không chịu lắng nghe lời góp ý, và không cố gắng hoán cải để nên tốt hơn. Đã bao lần, ai đó đã tự hủy hoại bản thân, hủy hoại tương lai, khi sử dụng ma túy, khi cá độ, cờ bạc, hoặc rượu chè thái quá, đang khi chúng ta biết rằng, thân xác và và tâm hồn chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Làm như thế là chúng ta đang chối bỏ Thiên Chúa, chối từ tình thương và ân huệ của Người, chối bỏ chính niềm vui và hạnh phúc mà chúng ta đáng được hưởng.
Thiên Chúa không ở xa, Người ở rất gần chúng ta. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ, không phải là một vị Thiên Chúa ẩn mình, Người luôn tỏ mình ra cho chúng ta qua Lời Chúa, nơi Bí Tích Thánh Thể, trong thiên nhiên, qua các biến cố, và nơi tha nhân chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Đừng đánh mất những cơ hội gặp gỡ, đừng nhẫn tâm chối từ ân huệ Chúa ban, nhưng cần nhận ra Người đang hiện diện, để yêu mến, để lắng nghe và thực hành lời Người dậy. Cần mở lòng đón nhận và cộng tác với ơn Chúa. Có như thế chúng ta mới làm phong phú cuộc sống của chính mình, mới nên hoàn thiện, và xứng đáng là môn đệ của Đức Kitô Phục Sinh ngay từ hôm nay.
Lm. Mt.
KHÔNG ĐÓN NHẬN
- Bài trước:SỐ PHẬN NGÔN SỨ
- Bài kế tiếp:Đào tạo tông đồ