Mùng Ba Tết Quý Tỵ
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Một tu sĩ trẻ nọ được gửi đến làm việc chung với một số anh em khác. Công việc chung của họ là dệt một khung vải lớn, trên đó, mọi người ngày ngày dệt phần được trao phó cho mình. Công việc xem ra độc điệu và vô nghĩa.
Ngày kia, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình: “Khi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Tôi giờ, tôi chỉ thấy rằng tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy. Tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.”
Nghe thế, vị tu sĩ già ôn tồn nói với tu sĩ trẻ ấy: “Thầy ơi, làm sao Thầy thấy được công trình chúng ta đang cùng nhau thực hiện. Hãy cố gắng trong vài ngày nữa, Thầy sẽ biết được điều mình đang làm có giá trị thế nào.”
Và khi tác phẩm đã hoàn thành, người ta mới lật ngược tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, người tu sĩ trẻ mới thâý rằng mình đã góp phần vàot tuyệt tác. Đó là bức tranh Ba Vua triều bái Hài nhi Yesus. Những đường kim mà ngày ngày, vị tu sĩ trẻ ấy đâm qua xỏ lại, đã tạo nên hào quang sáng chói quanh đầu Hài Nhi Yêsus. Điều mà tu sĩ trẻ ấy cho là nhàm chán, giờ đây hiện lên trước mắt mọi người như một kỳ công.
Những ngày tết đã đến và đã qua đi thật mau. Hôm nay đã là ngày mùng 3, và ngày mai, chúng ta lại trở về với những công việc của mình, với cơm áo gạo tiền, với ngày, mùa lao động mới.
Quay cuồng, tất bật với biết bao là công việc, mà phần lớn là những công việc đơn điệu, nhàm chán – có lẽ hơn một lần chúng ta đã tự hỏi: “Mình đang làm gì và làm để làm gì? Những công việc đang làm sẽ đưa mình đi tới đâu?”
Đây cũng chính là điều mà Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay muốn gợi lên cho chúng ta trong ngày mùng Ba Tết, ngày thánh hóa công việc làm ăn.
Sách Sáng thế trong bài đọc I xác định chỗ đứng của con người trong vũ trụ, trong công trình Sáng tạo của Thiên Chúa. Mỗi một người có một vai trò trong chương trình yêu thương của Ngài, một vai trò độc đáo trước mặt Thiên Chúa mà không ai có thể thay thế được.
Tuy nhiên, đời người có lẽ cũng giống như một tấm thảm nhìn từ mặt trái. Những độc điệu, nhàm chán dệt nên cuộc sống của mỗi người lắm lúc che khuất hướng đi, che khuất tầm nhìn và ý nghĩa của cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau cứ tiếp nối, cứ chất chồng lại càng làm chúng ta choáng ngợp, hụt hẫng giữa những lối mòn cuộc sống.
Cuộc sống làm người của Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời. Ngài là ánh sáng. Trong ánh sáng đó, chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống từ mặt trái của nó.
Bằng 30 năm sống âm thầm của một người lao động nơi một ngôi làng hẻo lánh, Chúa Giêsu đã mặc cho cái độc điệu, lặng thầm, cái dung dị, đơn sơ của đời thường một giá trị cao cả, thần thiêng. Tầm thường, giới hạn và nghèo hèn được nâng lên hàng siêu việt, vô biên và vĩnh cửu, bởi Ngài đã đặt để vào đó tất cả tâm tình yêu thương và chia sẻ.
Và như Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa lắng nghe, thời giờ, tài năng, sức khỏe và trí tuệ,…là những nén bạc Chúa trao tặng cho ta, không phải để chôn giấu trong hãi sợ, hay bo bo giữ lấy trong hẹp hòi, nhưng là những hạt mầm quý giá cần được gieo trồng, chăm sóc và triển nở tốt tươi, cần được những đôi tay cộng góp lại để làm nên những việc diệu kỳ cho cuộc sống.
Trong thế giới ngày hôm nay, mọi người bận rộn hơn bao giờ hết nhưng cũng kém hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tại sao vậy?
Làm việc chăm chỉ chẳng có gì sai cả, nhưng chúng ta cũng cần lắm chứ – thời gian để nghỉ ngơi, để suy nghĩ và chiêm nghiệm, để học và để trưởng thành. Nếu chúng ta không dành thời gian để chiêm niệm nghỉ ngơi, chúng ta sẽ cùn dần đi và đánh mất đi tính hiệu quả trong công việc.
Đó cũng là một trong những nghịch lý của cuộc sống, như Chúa Giêsu nêu lên trong Tin Mừng hôm nay: “Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy mất”.
Thật vậy, càng tham công tiếc việc, cuộc đời càng khô cằn, còi cọc và con người bị biến thành một thứ nô lệ cho mặt đất. Vì thế, chúng ta cần biết bao những chặng dừng để định hướng, điều chỉnh lại những sai sót, lệch lạc. Những chặng dừng thật cần thiết để quyền năng Thiên Chúa đơm hoa kết nụ trong đời mình. Những chặng dừng thật cần thiết để nên người hơn và nên thánh hơn.
Như thế, thưa quý ông bà anh chị em, thánh hóa công việc làm ăn không chỉ là biết đón nhận những nén bạc, hay ra sức làm việc với những nén bạc đó. Thánh hóa công ăn việc làm còn là biết đặt vào đó con tim yêu thương của mình, để trao tặng chia sẻ trong chân thành huynh đệ, cũng như biết dừng lại để đón nhận niềm vui, đón nhận sức sống từ trên cao, dừng lại để lớn lên và đổi mới trong ân sủng.
Hãy quý trọng cuộc sống Thiên Chúa trao ban cho ta, như một cơ hội tốt đẹp để làm việc thiện, để giúp ích cho đời. Hãy đặt mình vào Bàn tay Quyền Năng của Chúa, tận dụng những cơ hội Chúa trao, để lớn lên nhiều hơn nữa trong tình yêu từ những công việc bổn phận hàng ngày, và nên thánh hơn khi góp phần làm cho cuộc sống này tươi đẹp và đáng sống.
Hôm nay, trong những ngày đầu năm mới, Chúa lại ban cho chúng ta những nén bạc mới, những khả năng và cơ hội mới. Ngày mai, bước vào một chặng đường mới, chúng ta sẽ làm gì để thánh hóa chính mình, thánh hóa gia đình mình với nén bạc Chúa trao?
Linh mục Giuse Trần Đình Túc