THÁNH LỄ MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN THEO LỜI CHÚA VÀ HƯỚNG DẪN CỦA GIÁO HỘI
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Bốn câu ca dao bất hủ ở trên đã nói lên bổn phận người làm con là phải giữ tròn đạo hiếu. Đây là nét son của truyền thống dân tộc Việt Nam. Giáo hội Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp đó khi dành cách đặc biệt phụng vụ ngày mồng hai tết để kính nhớ ông bà tổ tiên. Đồng thời, Giáo hội cũng mời gọi mỗi tín hữu kitô nhớ về cội nguồn đích thực của mình là chính Thiên Chúa và sống thảo hiếu với Ngài.
1. Kính nhớ ông bà tổ tiên nhờ Lời Chúa soi sáng.
Các bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã cho biết lý do và bổn phận của con cái đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ. Trước hết, sách Huấn ca đã ca ngợi những vị tiền nhân, những người đạo hạnh, là ông bà tổ tiên. Sở dĩ các ngài đáng được ca ngợi bởi vì các ngài đã trọn một đời giữ vững các điều giao ước của Thiên Chúa. Sự trung thành của các ngài đối với giao ước của Thiên Chúa là tấm gương sáng giúp cho con cháu cũng một mực trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, các ngài được Thiên Chúa bảo vệ chở che, được chúc phúc, được danh thơm tiếng tốt và mồ yên mả đẹp.
Tiếp đến, Lời Chúa trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô cho biết bổn phận của các thành viên trong gia đình. Người làm con, phải vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, chứ không phải theo tinh thần của người đời, hay tinh thần của ý riêng mình. Sự vâng lời này là điều phải đạo. Vì hành vi tôn kính cha mẹ là điều Thiên Chúa muốn và Ngài sẽ ban niềm vui hạnh phúc và ơn được hưởng thọ cho những người con biết thảo hiếu với cha mẹ. Những bậc làm cha mẹ được mời gọi đừng làm cho con cái tức giận, nhưng thay mặt Chúa giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Cha mẹ có nghĩa vụ rất thiêng liêng là được Thiên Chúa trao phó sứ vụ giáo dục mà không ai có thể thay thế được hầu giúp cho con cái nên người. Cha mẹ cũng được mời gọi luôn cầu nguyện cho con cháu theo sự hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo ý riêng của mình.
Cuối cùng, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã nhắc lại điều răn của Thiên Chúa về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Thiên Chúa muốn mỗi người con phải hiếu kính với cha mẹ. Vì vậy, người nào nguyền rủa cha mẹ thì đáng chịu hình phạt nặng nề. Mặt khác, Chúa Giêsu còn mời gọi mọi người phải thực hành điều răn của Thiên Chúa chứ không dựa vào truyền thống của tiền nhân mà hủy bỏ lời của Thiên Chúa.
2. Kính nhớ ông bà tổ tiên theo hướng dẫn của Giáo hội
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, tuân giữ Lời Thiên Chúa thì hơn tuân giữ lời người phàm (x. Cv 5,29). Bởi lẽ dù ai đó có khôn ngoan thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng bằng Thiên Chúa vì Ngài là Đấng khôn ngoan vô cùng (x. Rm 11,33, Rm 16,27). Mặt khác, ai đó thực sự khôn ngoan thì sự khôn ngoan đó cũng bởi Thiên Chúa ban cho (x. Gc 1,5; 2Pr3,15). Chính Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự khôn ngoan (x. Hc 1,1). Ngài đã ban cho Giáo hội có sự khôn ngoan cần thiết để giải thích Lời Chúa và hướng dẫn Dân của Chúa đi theo giáo huấn của Ngài. Giáo hội không đứng trên Lời Chúa nhưng gìn giữ và trình bày cách trung thành Lời Chúa. Vì thế, Giáo hội luôn hướng dẫn con cái Ngài sống đức hiếu kính ông bà tổ tiên theo ý của Thiên Chúa. Thông báo của HĐGMVN, 14-6-1965 đã thể hiện điều này khi ban những chỉ dẫn cụ thể như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây có tính cách thế tục, lịch sử, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động”
1. Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn bạch…
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “Kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín. Như đốt vàng mã… và giảm thiểu, cải cách những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính, biết ơn ông bà tổ tiên, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong hôn lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố…
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây nếu sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền “phải thảo kính cha mẹ” là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Qua những chỉ dẫn trên, Giáo hội cho mỗi người biết rằng, chính Thiên Chúa là cội nguồn đích thực của con người. Ông bà cha mẹ chỉ là những tiền nhân được Thiên Chúa trao phó cho sứ mạng sinh thành và dưỡng dục con cháu. Và sau khi hoàn tất sứ vụ, ông bà cha mẹ cũng phải trở về với cội nguồn đích thực của mình là chính Thiên Chúa. Phận làm con cái, mỗi người được mời gọi thờ phượng Thiên Chúa cách hiếu thảo như người con hiền và sống hiếu kính cha mẹ theo Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội.
Ước mong anh chị em mãi là những người con sống hiếu hạnh với tổ tiên ông bà cha mẹ để góp phần giữ nét đẹp truyền thống dân tộc. Đồng thời qua đời hiếu thảo của người Công giáo, người lương dân nhận ra Thiên Chúa tình yêu và mau mắn gia nhập đạo thánh Chúa, hầu mọi người trở thành con ngoan trong gia đình của Thiên Chúa.
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa